Kiểm định phương pháp giao dịch RSI tại thị trường Việt Nam – TCBS Research

Có thật dưới 30 nên mua và trên 70 nên bán?

Chỉ số RSI là một trong những chỉ số kỹ thuật phổ biến nhất trên thế giới. Công thức tính toán của chỉ số này mọi người có thể tham khảo chi tiết ở link này nhưng về cơ bản thì chỉ số này đo tương quan sức mạnh giữa lực mua và lực bán trên thị trường đại diện bằng 2 giá trị là mức tăng giá trung bình của những phiên tăng và mức giảm giá của những phiên giảm giá trong 14 phiên giao dịch trước đó.

Có khá nhiều chiến lược giao dịch với chỉ số RSI này nhưng dạo qua nhiều diễn đàn, bài viết trên mạng cả trong và ngoài nước thì có một chiến lược đơn giản được giới thiệu ở nhiều nơi với nội dung như sau:

“30 gọi là ngưỡng quá bán và 70 gọi là ngưỡng quá mua của RSI. Khi RSI giảm xuống vùng quá bán tức là bên bán đang phản ứng thái quá với giá cổ phiếu và dự đoán giá cổ phiếu sẽ có thể đảo chiều. Ngược lại, khi RSI vượt lên vùng 70 thì bên mua đang quá tích cực và giá cổ phiếu sẽ sớm điều chỉnh

>> Hành động được khuyến nghị là “mua khi RSI xuống dưới vùng 30 và bán khi RSI vượt lên vùng 70”

Với sự tò mò của nghề nghiệp, chúng tôi thắc mắc liệu phương pháp này có thật sự hiệu quả tại thị trường Việt Nam? Và quyết định tiến hành kiểm định hiệu quả của phương pháp này trên các cổ phiếu của Việt Nam từ 2010 đến nay

Đầu tiên, để giảm bớt các tín hiệu nhiễu trong phân tích kỹ thuật, chúng tôi lựa chọn các mã cổ phiếu có giá trị giao dịch mỗi phiên ít nhất trên 100,000 cổ phiếu trong 1 năm trở lại đây. Có tổng cộng 179 mã như vậy và chạy dữ liệu giá các cổ phiếu này.

xac-suat-phan-bo-rsi-cac-ma-ck-viet-nam
Xác suất phân bổ theo RSI của các mã cổ phiếu VN gia đoạn hiện tại.

 

Thống kê RSI theo giá trị và tuần suất xuất hiện cho thấy xác suất RSI trên 70 chỉ có 8% và RSI dưới 30 là 5.2%. Điều này cho thấy đây là khu vực ít xuất hiện của RSI và cũng tương đồng với quan điểm rằng đây là 2 vùng phản ứng thái quá của thị trường khi tâm lý thị trường trở nên quá tích cực hoặc quá bi quan

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đo lường mức độ biến động giá của các cổ phiếu khi ở trong vùng 30 và 70 này sau các khoảng thời gian T3, T5, T20,T40,T60 để xem liệu cổ phiếu có điều chỉnh như lý thuyết đã đề cập hay không

kiem-dinh-pp-rsi-thi-truong-vn
Diễn biến cổ phiếu vào vùng quá mua, quá bán tại T3, T5, T20, T40 và T60

 

Kết quả chỉ ra rằng:

+) Đối với vùng RSI dưới 30, việc mua trong ngắn hạn không mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, cụ thể là trong T5 khi xác suất cổ phiếu tăng và giảm cũng như mức độ thay đổi giá là như nhau.

Phải cầm từ T20 trở lên thì hiệu mới có chút ít thay đổi khi xác suất tăng đạt khoảng 52% so với giảm là 44%. Ngoài ra, mức độ tăng giá cũng cao hơn mức độ giảm giá

+) Đối với vùng RSI trên 70, kết quả mang lại khá bất ngờ khi ở tất cả các khung thời gian, xác suất cổ phiếu tăng giá đều cao hơn giảm giá và mức độ tăng giá cũng nhiều hơn đáng kể. Đặc biệt là khung thời gian T40 và T60, thì tỷ lệ giá cổ phiếu giảm so với tăng là xấp xỉ 40 – 60 và mức tăng giá trung bình đạt khoảng 20 – 30% trong khi mức giảm giá chỉ có 10 – 15%.

Điều này cho thấy chiến lược mua tại vùng quá bán và bán tại vùng quá mua nhìn chung chưa được hiệu quả khi áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giải thích cho kết quả này, chúng tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam, để giá cổ phiếu bước vào vùng dưới 30 hoặc trên 70 thì khi đó cổ phiếu thường nằm trong một xu hướng rõ rệt, có thể là tăng hoặc giảm chứ có rất ít cổ phiếu có thể sideway mà RSI lại vào được 2 vùng này.

Ví dụ minh họa dễ thấy nhất là các cổ phiếu ngân hàng, đã đi ngang trong khoảng gần 9 tháng qua và RSI cũng chỉ vận động trong vùng từ 30 – 70

vpb-chart-2021-2022
Chart VPB đi ngang trong thời gian dài – RSI luôn trong khoản 30-70

 

Nhưng cũng là cổ phiếu VPB, khi trong một trend tăng giá mạnh, thì RSI của VPB liên tục bám trên vùng 70. Dù có đôi lúc chỉnh nhẹ xuống nhưng sau đó lại vòng lên.

 

vpb-chart-2021-2022-2
Vùng quá mua của VPB với RSI>70 là khu vực tăng giá mạnh

Do vậy, chúng tôi cho rằng ở Việt Nam, khi các cổ phiếu đang trong xu hướng tăng và RSI vượt qua ngưỡng 70, nhà đầu tư không nên bán chốt lời mà thay vào đó có thể tiếp tục nắm giữ, thậm chí gia tăng tỷ trọng trong các phiên rung động khi RSI chỉnh xuống dưới 70 vì khi đó xu hướng tăng của cổ phiếu là mạnh

 

Bên cạnh đó, chỉ số RSI có khá nhiều chiến lược nâng cao khác nhau khi sử dụng kết hợp với diễn biến giá hoặc các chỉ số phân tích kỹ thuật khác. Chúng tôi sẽ dần dần giới thiệu cũng như kiểm định các chiến lược này để nhà đầu tư có cơ sở lựa chọn cho mình những chiến lược giao dịch có hiệu quả.

Xem bài viết gốc tại: https://iwealthclub.com.vn/s/tcbs-analysis/?contentId=1763992

Viết một bình luận